Khi đạt đến những thành công nhất định trong công việc, chúng ta sẽ cảm thấy vui mừng và tự hào về bản thân. Tuy nhiên, cảm xúc này dễ dẫn đến sự tự mãn và điều này dễ gây ra nhiều mối nguy ngại tiềm ẩn trong công việc. Vậy tự mãn là gì? Người tự mãn có những biểu hiện như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Tự mãn là gì?
Tự mãn là trạng thái tâm lý khi một người cảm thấy tự tin và hài lòng quá mức về khả năng, thành tựu và suy nghĩ của bản thân. Người tự mãn thường không khiêm tốn và tự cao, đồng thời thiếu nhận thức hoặc quan tâm đến sự thay đổi và phát triển theo hướng tích cực hơn. Điều này dẫn đến thiếu sự cố gắng, quyết tâm khi làm việc gì đó.
Biểu hiện của sự tự mãn trong công việc
1. Không quan tâm ý kiến của người khác
Biểu hiện đầu tiên có thể tìm thấy ở người tự mãn trong công việc đó là thẳng thừng bác bỏ những lời góp ý hay đề xuất mang tính xây dựng. Thay vì xem những ý kiến là cơ hội để phát triển, người tự mãn coi đó là sự phiền toái không cần thiết.
Nguyên nhân của điều này đó là người tự mãn đã hài lòng về công việc của mình, họ cho như thế là đúng, là đủ nên không cần thay đổi gì thêm. Từ đó cho thấy sự thiếu mong muốn cải thiện và phát triển. Hành vi này tạo ra một môi trường làm việc mà các lỗi sai có thể bị lặp lại và sự đổi mới bị kìm hãm.
2. Không có sáng kiến mới
Người tự mãn khi làm việc thường thiếu sáng kiến hay các đóng góp có tính đổi mới, đồng nghĩa với việc họ chỉ làm việc ở mức tối thiểu. Bởi họ cho rằng những gì họ làm là đủ, không cần có sự nâng cấp nào khác. Họ làm những gì được yêu cầu, không có sự nỗ lực và nhiệt tình nào.
3. Thường xuyên vắng mặt
Một người tự mãn trong công việc có thể biểu hiện qua tỷ lệ vắng mặt cao ở công ty hoặc thường xuyên đi muộn. Họ không còn đầu tư và bỏ nhiều sự quan tâm cho các nhiệm vụ được giao, có thể họ cho rằng họ có thể hoàn thành tốt trong thời gian ngắn nên không cần xuất hiện đều đặn.
4. Không đầu tư vào phát triển bản thân
Người tự mãn thường không quan tâm đến việc học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng mới. Điều này có thể thể hiện qua việc họ không quan tâm đến việc tham gia buổi đào tạo hoặc hội thảo của công ty. Những nhân viên không muốn phát triển chuyên môn vì họ hài lòng với tình trạng hiện tại, điều này kìm hãm sự đổi mới và tiến bộ.
5. Chối bỏ trách nhiệm
Khi xảy ra vấn đề nào đó, người tự mãn thường lảng tránh trách nhiệm, họ cho rằng lỗi lầm thuộc về người khác hoặc do tác nhân bên ngoài chứ bản thân mình không thể làm sai. Họ cũng từ chối học hỏi từ những sai lầm và tìm cách sửa đổi, giải quyết vấn đề. Điều này dẫn đến một môi trường làm việc độc hại, nơi lòng tin và sự hợp tác bị xói mòn.
Làm thế nào để chống lại sự tự mãn trong công việc?
Sự tự mãn có thể gây ra những tác động xấu đến quá trình phát triển của bản thân cũng như hiệu quả công việc. Để chống lại sự tự mãn, sau đây là một số gợi ý đơn giản dành cho bạn:
1. Nâng cao nhận thức
Nâng cao nhận thức về bản thân là một cách hiệu quả để chống lại sự tự mãn. Bạn nên có cái nhìn sâu sắc về suy nghĩ, hành vi, cảm xúc, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân cũng như cách chúng tác động đến những người xung quanh. Khi sự nhận thức được nuôi dưỡng tốt, bạn có thể tránh xa sự tự mãn và có hành vi phù hợp trong công việc.
2. Đặt ra mục tiêu và kỳ vọng
Khi ta không biết bản thân mình được mong đợi điều gì, ta dễ cảm thấy hài lòng, tự tin với những gì ta có và trở nên tự mãn. Để tránh điều đó xảy ra, bạn nên cân nhắc đặt ra những mục tiêu và kỳ vọng. Khi bản thân biết được mục tiêu cần phấn đấu là gì, bạn sẽ cố gắng đạt được, có động lực đầu tư và tập trung hơn vào công việc.
3. Tiếp thu đóng góp của người khác
Những ý kiến xây dựng cung cấp cho bạn cái nhìn đa dạng và sâu sắc hơn về một vấn đề, đồng thời tạo cơ hội để bạn phát triển. Khi phản hồi được truyền đạt và tiếp nhận hiệu quả, người nhận sẽ cảm thấy được khích lệ để nỗ lực và cải thiện kỹ năng của mình. Tuy nhiên, không phải tất cả ý kiến đều cần phải được chấp nhận; bạn nên chọn lọc và áp dụng những thông tin phù hợp nhất với bản thân.
4. Không ngừng học hỏi
Cuộc sống liên tục thay đổi và phát triển, vì thế đừng bao giờ ngừng việc học hỏi thêm kiến thức và kỹ năng mới. Đây là một chiến lược giá trị và hiệu quả để chống lại sự tự mãn trong công việc. Bạn có thể thường xuyên cập nhật thông tin mới, theo dõi sự phát triển trên thị trường và đánh giá bản thân cần phát triển điều gì.