Khi gia nhập thị trường lao động, mỗi cá nhân đều có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân một cách đầy đủ. Vậy thuế thu nhập cá nhân là gì? Làm thế nào để tính thuế thu nhập cá nhân? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Thuế thu nhập cá nhân là gì?
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là khoản tiền trích từ thu nhập của các cá nhân, bao gồm lương, tiền công, tiền thưởng, và các khoản thu nhập khác để nộp vào ngân sách nhà nước sau khi được giảm trừ.
Đối với những cá nhân có thu nhập thấp hơn mức quy định phải đóng thuế thì không áp dụng thuế thu nhập cá nhân. Người có thu nhập càng cao thì thuế thu nhập cá nhân cần nộp càng lớn. Thuế thu nhập cá nhân công bằng với mọi đối tượng, nhờ đó góp phần giảm khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội.
Đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân được chia thành 2 nhóm:
- Cá nhân cư trú: Thu nhập chịu thuế là khoản phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam (không phân biệt nơi trả thu nhập)
- Cá nhân không cư trú: Thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam (không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập).
Vai trò của thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân là nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước và được sử dụng để tài trợ cho các dịch vụ công cộng và phát triển cơ sở hạ tầng. Thuế thu nhập cá nhân tỷ lệ thuận với thu nhập bình quân đầu người. Nghĩa là khi nền kinh tế phát triển hơn, thu nhập của người lao động tăng thì nguồn thu của nhà nước cũng được tăng lên.
Thuế thu nhập cá nhân không đánh vào cá nhân có thu nhập thấp, dưới mức quy định để đảm bảo họ có đủ kinh phí tối thiểu để chi trả cho cuộc sống. Người có thu nhập trung bình đến cao sẽ phải áp dụng theo quy định nhà nước. Điều này góp phần thực hiện chính sách công bằng xã hội.
Đây cũng được xem là công cụ điều tiết vĩ mô, kích thích tiết kiệm, đầu tư theo hướng nâng cao năng lực hiệu quả xã hội, giảm bớt thu nhập của những cá nhân có thu nhập cao và phân phối lại cho những cá nhân có thu nhập thấp hơn. Bên cạnh đó, thuế thu nhập cá nhân còn góp phần phát hiện các hành vi sai trái của cá nhân có nguồn thu bất hợp pháp như tham ô, hối lộ, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Cách tính thuế thu nhập cá nhân
1. Đối với cá nhân cư trú
*Trường hợp cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên và có nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công:
Căn cứ tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 và Điều 7, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thuế TNCN đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên được xác định theo công thức sau:
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Trong đó:
– Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ
– Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản được miễn
– Thuế suất: Thuế suất từ tiền lương, tiền công đối với cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên được áp dụng theo lũy tiến từng phần, cụ thể:
Bậc thuế | Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) | Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) | Thuế suất (%) |
1 | Đến 60 | Đến 5 | 5 |
2 | Trên 60 đến 120 | Trên 5 đến 10 | 10 |
3 | Trên 120 đến 216 | Trên 10 đến 18 | 15 |
4 | Trên 216 đến 384 | Trên 18 đến 32 | 20 |
5 | Trên 384 đến 624 | Trên 32 đến 52 | 25 |
6 | Trên 624 đến 960 | Trên 52 đến 80 | 30 |
7 | Trên 960 | Trên 80 | 35 |
Hoặc cũng có thể áp dụng phương pháp rút gọn theo Phụ lục: 01/PL-TNCN Ban hành kèm theo Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:
Bậc | Thu nhập tính thuế /tháng (đồng) | Thuế suất | Tính số thuế phải nộp | |
Cách 1 | Cách 2 | |||
1 | Đến 5 triệu | 5% | 0 triệu + 5% TNTT | 5% TNTT |
2 | Trên 5 triệu đến 10 triệu | 10% | 0,25 triệu + 10% TNTT trên 5 triệu | 10% TNTT – 0,25 triệu |
3 | Trên 10 triệu đến 18 triệu | 15% | 0,75 triệu + 15% TNTT trên 10 triệu | 15% TNTT – 0,75 triệu |
4 | Trên 18 triệu đến 32 triệu | 20% | 1,95 triệu + 20% TNTT trên 18 triệu | 20% TNTT – 1,65 triệu |
5 | Trên 32 triệu đến 52 triệu | 25% | 4,75 triệu + 25% TNTT trên 32 triệu | 25% TNTT – 3,25 triệu |
6 | Trên 52 triệu đến 80 triệu | 30% | 9,75 triệu + 30% TNTT trên 52 triệu | 30 % TNTT – 5,85 triệu |
7 | Trên 80 triệu | 35% | 18,15 triệu + 35% TNTT trên 80 triệu | 35% TNTT – 9,85 triệu |
*Trường hợp cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động:
Trường hợp cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động mà có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập (khấu trừ luôn trước khi trả tiền).
Lúc này thuế thu nhập cá nhân được tính theo công thức
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 10% x Tổng thu nhập trước khi trả
2. Đối với cá nhân không cư trú
Thuế thu nhập cá nhân của đối tượng không cư trú được xác định như sau:
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công x Thuế suất (20%)
Trong đó:
– Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được tính như thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú.
– Việc xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công tại Việt Nam trong trường hợp cá nhân không cư trú làm việc đồng thời ở Việt Nam và nước ngoài nhưng không tách riêng được phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam thực hiện như sau:
- Trường hợp cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam:
Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam | = | Số ngày làm việc cho công việc tại Việt Nam | x | Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế) | + | Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam |
Tổng số ngày làm việc trong năm |
Tổng số ngày làm việc trong năm được tính theo chế độ quy định tại Bộ Luật Lao động của Việt Nam.
- Trường hợp cá nhân người nước ngoài hiện diện tại Việt Nam:
Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam | = | Số ngày có mặt ở Việt Nam | x | Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế) | + | Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam |
365 ngày |